Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng ở Việt Nam
Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng trên thế giới bị suy giảm nhanh chóng. Cùng với sự mất diện tích rừng tự nhiên, môi trường sống của các loài động, thực vật rừng cũng biến mất hoặc bị thoái hóa nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính làm cho nhiều loài sinh vật rừng có nguy cơ bị tuyệt chủng, đa dạng sinh học bị suy giảm.
Thực tế cho thấy, nếu chỉ có các biện pháp truyền thống như luật pháp, ký kết công ước... thì không thể bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên còn lại của nhân loại, nhất là rừng nhiệt đới tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Một trong những biện pháp quan trọng hiện nay được cả cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia đặc biệt quan tâm, đó là cùng với những giải pháp truyền thống trên, cần thiết lập phương pháp Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và cấp Chứng chỉ rừng (CCR). Việt Nam là một trong các nước đã từng bước tiếp cận và thực hiện quản lý, bảo vệ rừng với phương pháp QLRBV và CCR rất hiệu quả trong nhiều năm qua.
Tài nguyên rừng và QLRBV
Việt Nam cũng như các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyến đổi, nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng rất lớn, do vậy, tài nguyên rừng đã và đang bị suy giảm nhiều. Theo tài liệu Tài nguyên rừng toàn cầu của Liên hợp quốc năm 2010, hiện nay diện tích rừng của toàn thế giới có khoảng hơn 4 tỷ ha, trung bình 0,6 ha/người. Các nước có diện tích rừng lớn nhất là Liên bang Nga, Braxin, Canada, Mỹ và Trung Quốc. Có 10 nước và vùng lãnh thổ không có rừng, 54 quốc gia có diện tích rừng chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 10% tổng diện lãnh thổ. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ mất rừng là khoảng 13 triệu ha mồi năm, chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp.
Việt Nam được xem là nước có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn trong vùng Đông Nam Á. Năm 1943, diện tích rừng khoảng 14,3 triệu ha, tỷ lệ che phủ khoảng 43%. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng của cả nước hiện nay là 13.258.843 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10.339.305 ha, rừng trồng chiếm 2.919.538 ha, độ che phủ 39,1%. Tuy diện tích rừng có tăng lên trong những năm gần đây do thực hiện các chương trình trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên... nhưng chất lượng rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm, do việc khai thác rừng tự nhiên không đúng quy trình, khai thác bất hợp pháp.
Hiện nay, lượng gỗ khai thác trung bình khoảng trên 5 triệu m3/năm cho nguyên liệu bột giấy, sản xuất ván, dăm gỗ và xuất khẩu (chưa kể sản phẩm như củi, gỗ gia dụng, xây dựng trong dân...), trong đó, gỗ từ rừng tự nhiên chiếm khoảng 300.000 m3, còn lại từ rừng trồng. Rừng trồng sản xuất chủ yếu trồng cây mọc nhanh như keo (chiếm 70%), bạch đàn, thông các loại và một số loài cây khác. Công nghiệp chế biến gỗ (chủ yếu sản phẩm gỗ xuất khẩu) phát triển rất nhanh trong thời gian qua, cả nước có khoảng 2.500 cơ sở chế biến gỗ, thu hút hàng trăm nghìn lao động. Do vậy, vấn đề quản lý, phát triển bảo vệ rừng để đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống người dân, BVMT đã và đang đặt ra rất cấp thiết. Quản lý rừng bền vững được hiểu là tài nguyên rừng và đất liên quan phải được quản lý để đáp ứng nhu cầu về các mặt xã hội, kinh tế, sinh thái, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại và tương lai.
Là một tổ chức quốc tế hoạt động độc lập, Hội đồng Chứng chỉ rừng (FSC) được thành lập năm 1993, với nhiệm vụ thúc đẩy quản lý rừng của thế giới có hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Về môi trường, đảm bảo việc thu hoạch các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ trong khi vẫn duy trì được tính đa dạng sinh học, năng suất và quá trình sinh thái của rừng.
Về xã hội, giúp cho người dân địa phương và toàn xã hội được hưởng lợi ích lâu dài từ rừng và cung cấp các biện pháp khuyến khích mạnh mẽ để người dân địa phương tuân thủ kế hoạch quản lý rừng dài hạn và duy trì được tài nguyên rừng.
Còn về kinh tế, các hoạt động lâm nghiệp được cơ cấu, sắp xếp và quản lý để có đủ lợi nhuận mà không cần tạo nguồn thu từ việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, các hệ sinh thái hoặc ảnh hưởng tới các cộng đồng.
FSC cung cấp một hệ thống cho việc công nhận tự nguyện và chứng nhận cho phép người sở hữu chứng chỉ cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ của họ như là kết quả của việc quản lý có trách nhiệm. Để cho hệ thống này hoạt động, FSC có bộ tiêu chuẩn cho sự phát triển và phê duyệt các tiêu chuẩn quản lý quốc tế, phù hợp với từng loại rừng. Dựa trên các tiêu chuẩn, FSC cung cấp một hệ thống chứng nhận cho các tổ chức tìm kiếm để tiếp thị sản phẩm của họ đó là Chứng chỉ FSC. Với các sản phẩm được FSC công nhận sẽ được thị trường thế giới chấp nhận với giá cả cao hơn và có thị trường rộng hơn, thậm chí một số thị trường nếu không có chứng nhận của FSC sẽ không trao đổi được.
Cho đến năm 2010, đã có hơn 118,33 triệu ha rừng tại 82 nước được cấp chứng chỉ và có hơn 12.000 cơ sở, vận chuyển, chế biến sản phẩm gỗ tại 83 quốc gia được cấp Chứng chỉ của FSC quốc tế, QLRBV và CCR ở Việt Nam
Do nhu cầu về sử dụng tài nguyên rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...nên trong những năm gần đây quản lý, bảo vệ rừng đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có vấn đề quản lý rừng bền vững đối với rừng tự nhiên và rừng trồng. Ngày 20/4/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 455/TTg-NN, đồng ý cho phép Bộ NN&PTNT lựa chọn, xây dựng, thực hiện mô hình Công ty Lâm nghiệp, Lâm trường quản lý rừng theo mục tiêu bền vững.
Để hỗ trợ cho quá trình QLRBV và CCR ở Việt Nam, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về QLRBV và CCR đã được Bộ NN&PTNT xây dựng và từng bước hoàn thiện. Đây là những cơ sở quan trọng để thực hiện QLRBV ở Việt Nam.
Hiện nay, Bộ NN & PTNT đã soạn thảo các nội dung về QLRBV và lựa chọn các đơn vị thực hiện để dần tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về QLRBV tại các tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Lâm Đồng...
Bên cạnh đó, Bộ NN & PTNT lựa chọn các đơn vị có đủ điều kiện để đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ để thực hiện QLRBV và cấp CCR như: Tổ chức GTZ của Đức; Dự án "Thúc đẩy quản lý rừng bền vững" do Chính phủ Thụy Sỹ và Tổ chức FAO tài trợ thực hiện CCR theo nhóm cho rừng trồng tại Yên Bái. Ngoài các hình thức tổ chức trên, trong thời gian qua do nhu cầu về QLR và tiêu thụ sản phẩm, một số đơn vị tư nhân, nhất là các đơn vị trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ liên doanh hoặc 100 % vốn nước ngoài đã tự xây dựng kế hoạch thực hiện và được cấp Chứng chỉ FSC quốc tế hoặc Chứng chỉ quản lý rừng tương đương cho đơn vị mình. Nhiều đơn vị và cơ sở chế biến gỗ đã được cấp chứng chỉ để quản lý rừng và tiêu thụ sản phẩm gỗ chế biến.
Một số kết quả thực hiện QLRBVvàCCR
QLRBV và CCR đã và đang trở thành một công cụ để quản lý kinh doanh rừng trong giai đoạn hiện nay. Năm 2007, Việt Nam chỉ có 1 đơn vị được cấp Chứng chỉ FSC, tuy nhiên đến nay, chúng ta đã có hơn 100 công ty với các hình thức sở hữu khác nhau trong các lĩnh vực trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ được cấp chứng chỉ FSC.
Đối với các đơn vị quản lý rừng tự nhiên như Công ty Lâm nghiệp Đăk Min (Đăk Nông) đã xây dựng xong phương án QLRBV và thực hiện phương án từ năm 2008. Các công ty lâm nghiệp ở M'Drak, Đăk Tô, Krông Bông đã được phê duyệt phương án và thực hiện từ năm 2009. Ngoài ra, nhiều đơn vị đang hoàn thiện việc thu thập số liệu, xây dựng phương án để phê duyệt. Bên cạnh đó, một số tỉnh cũng có kế hoạch lựa chọn các công ty lâm nghiệp đê xây dựng phương án QLRBV.
TS. Nguyễn Huy Dũng
Viện Điều tra quy hoạch rừng
Văn phòng Viện QLRBV & CCR